Y tế học đường 02/05/2014 04:38:40

Tình hình bệnh sởi và công tác phòng chống bệnh sởi tại thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng không có trường hợp tử vong do sởi, không có ổ dịch sởi.

Tính từ ngày 01/01/2014 đến ngày 18/4/2014 đã ghi nhận có 104 ca nghi sởi, trong đó tại thành phố Đà Nẵng có 81 ca, các tỉnh khác 23 ca, 10 ca bệnh nặng, không có trường hợp tử vong; các trường hợp mắc rải rác trên toàn thành phố, không có ổ dịch sởi. Trong khi đó, theo thông báo của Cục Y tế dự phòng, tính đến ngày 17/4/2014, tổng số ca mắc sởi trên cả nước là 8.521, số ca có xét nghiệm (+) là 3.136 ca; tử vong: 112 ca (Số tử vong chủ yếu tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương, thành phố Hà Nội).

Trung tâm y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng đã lấy được 76/81 mẫu xét nghiệm, có kết quả 46/76 mẫu, trong đó: 34 mẫu (+) tính sởi, 12 mẫu (-) tính và 30 mẫu chưa có kết quả xét nghiệm.

Trong 34 ca dương tính: Trẻ < 09 tháng tuổi: 03 ca (ca bệnh nhỏ tuổi nhất: 3,5 tháng); Trẻ từ 09-15 tuổi: 25 ca; Trên 15 tuổi: 06 ca (ca bệnh lớn tuổi nhất: 39 tuổi). Số ca đã tiêm vắc xin sởi 1 mũi: 06 ca, 2 mũi: 02 ca, chưa tiêm hoặc không rõ: 26 ca.

Nhìn chung, tình hình mắc bệnh sởi trong các năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thấp và tương đối ổn định (Năm 2011 là 100 ca, năm 2012 là 54 ca, năm 2013 là 27 ca nghi sởi). Đạt được kết quả trên là do kết quả tiêm chủng mở rộng vắc xin sởi hàng năm tại Đà Nẵng luôn đạt trên 95%.

Trong năm 2013, một số địa phương trong cả nước xảy ra một số sự cố trong tiêm chủng khiến người dân hoang mang không đưa trẻ đi tiêm chủng, tuy nhiên thành phố Đà Nẵng vẫn đạt tỷ lệ 99,7%, với tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt cao thì tỷ lệ mắc sởi sẽ giảm, hoặc nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ hơn bình thường.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn thành phố, Sở Y tế tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch và công tác cách ly, điều trị, phân tuyến bệnh nhân sởi tại các tuyến trên địa bàn thành phố. Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố thực hiện vệ sinh trường học phòng bệnh sởi và cho các học sinh ốm nghỉ học để phòng ngừa bệnh lây lan.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với các nội dung: Tình hình bệnh sởi, cách nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phối hợp các nội dung tuyên truyền phòng, chống bệnh sởi cho người dân với công tác điều tra, giám sát bệnh sởi tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng.

Thực hiện tuyên truyền các nội dung về phòng chống bệnh sởi trong các cơ sở giáo dục

Tăng cường công tác điều tra, giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi sởi tại các cơ sở y tế.

Phân công cán bộ đứng điểm tăng cường công tác giám sát bệnh tại cộng đồng trên 07/07 quận, huyện.

Các đơn vị khám, chữa bệnh sẵn sàng thuốc, nhân lực, hoá chất, vật tư, trang thiết bị, phân tuyến điều trị (hạn chế chuyển tuyến), chỉ đạo chuyển tuyến trong trường hợp bệnh nhân nặng; đặc biệt, bố trí khu vực cách ly để kịp thời tiếp nhận, chẩn đoán, và điều trị bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo bệnh sởi giữa các bệnh nhân, hạn chế tối đa các biến chứng, và không để xảy ra tử vong do bệnh sởi. Sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu

Triển khai rà soát, tiêm bổ sung vắc xin sởi cho 8.436 trẻ từ 09-24 tháng tuổi trên địa bàn thành phố tại 57 điểm tiêm chủng (56 Trạm Y tế xã, phường và 01 Trạm Quân dân Y kết hợp tại xã Hoà Bắc). Thời gian: từ ngày 25-29/4/2014. 

Thái  Hoàng

» Tin mới nhất:

» Tin khác: